VACOD - Điện Biên 2024: Vận Dụng Mô Hình Kinh Tế Tập Thể, Giải Pháp Đột Phá Phát Triển Vùng Cao

VACOD - Điện Biên 2024: Vận Dụng Mô Hình Kinh Tế Tập Thể, Giải Pháp Đột Phá Phát Triển Vùng Cao

Chiều 18/10, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI - HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI…

1. Khám phá tiềm năng, định hướng phát triển Điện Biên

Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Hiệp hội VACOD cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đồng chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA tổ chức từ ngày 17-19/10/2024 tại tỉnh Điện Biên.

Hội nghị, hội thảo lần này tập trung làm rõ những tiềm năng to lớn mà tỉnh Điện Biên đang sở hữu, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư thương mại và văn hóa du lịch. Các chuyên gia sẽ cùng nhau thảo luận và đưa ra những định hướng phát triển phù hợp, nhằm khai thác tối đa lợi thế của tỉnh, thu hút đầu tư và nâng cao đời sống người dân.

tmdt

Điện Biên cần tích cực triển khai mô hình kinh tế theo quy mô lớn

2. Hoạt Động Theo Quy Mô Lớn Bắt Nhịp Thị Trường

Tại hội nghị, TS. Lê Văn Nghị, Chủ tịch Thương hiệu Sâm Ngọc Linh Nghị Gia, nguyên Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững.

“Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt”, TS. Lê Văn Nghị khẳng định.

Tiềm năng phát triển kinh tế hợp tác xã của tỉnh Điện Biên là rất lớn. Với lợi thế về đất đai, khí hậu, và nguồn lao động dồi dào, tỉnh có thể hình thành các hợp tác xã sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, như: chè Shan tuyết, táo mèo, mật ong... Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng cũng là một hướng đi đầy triển vọng. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả những tiềm năng này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý của các hợp tác xã, và xây dựng các chuỗi giá trị liên kết. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích người dân tham gia vào các hợp tác xã, góp phần nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.

Phát triển kinh tế dựa trên quy luật “quy mô lớn” thì doanh nghiệp địa phương càng có quyền quyết định cung – cầu – giá cả của sản phẩm đó trên thị trường. Do đó hoạt động dưới dạng hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ càng giúp địa phương có nhiều lợi thế, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

3. Điện Biên sẵn sàng vươn lên với kho tàng tài nguyên, con người cần cù

Trong hội nghị, TS. Lê Văn Nghị cũng chỉ ra tiềm năng phát triển kinh tế với quy mô lớn của tỉnh Điện Biên. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 9.541 km2, trong đó đất nông nghiệp 120.359 ha, đất lâm nghiệp 590.031 ha (trong đó, đất rừng 401.000 ha); đất chưa sử dụng 528.370 ha, chiếm 44,3% đất tự nhiên (chủ yếu là đất đồi núi thích hợp để trồng và phát triển lâm nghiệp). Dân số của tỉnh Điện Biên là 635 nghìn người, trong đó thành thị 96 nghìn, chiếm 15,2%, nông thôn 539 nghìn, chiếm 84,8%. Điện Biên là một tỉnh dân tộc miền núi lớn, có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất cây công nghiệp, lâm nghiệp, phát triển dược liệu và dược liệu dưới tán rừng; có một số cây con chủ lực, đặc sản, như: Gạo Bắc thơm, Nếp tan, Séng cù, cà phê arabica, mắc ca, táo mèo, sa nhân, thảo quả,… ; về con: trâu, bò, dê, cá rô phi đơn tính,…

tmdt

Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế theo quy mô lớn

Đặc biệt, Điện Biên là địa phương duy nhất của khu vực Tây bắc có sân bay, có Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, có một không hai trên thế giới, đặc biệt trong đặc biệt, duy nhất có của thế kỷ 20, 21.

Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 318 hợp tác xã, với 9.820 thành viên; giải quyết việc làm cho 9.525 lao động; tổng vốn điều lệ là 886 tỷ đồng; doanh thu bình quân đạt 2.034 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt 175 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, qua đây cho thấy, khu vực hoạt động HTX của tỉnh còn nhiều hạn chế: Số lượng HTX còn ít so với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, chủ yếu là các HTX quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả; đặc biệt chưa khai thác, phát huy được những tiềm năng, lợi thế khác biệt của tỉnh so với các địa phương khác trong khu vực và so với các nước khác trên thế giới.

4. Tìm Kiếm Mô Hình Hợp Tác Xã Hiệu Quả Cho Điện Biên

Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy, Điện Biên cũng là địa phương còn có nhiều khó khăn, thách thức, xa các trung tâm đô thị lớn, địa hình chủ yếu là núi cao, dốc đứng; thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất thường xuyên; con đường vận chuyển nông, lâm, thủy sản rất khó khăn; dân số là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn,…

Qua hội nghị, hội thảo do VACOD cùng UBND tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức, TS. Lê Văn Nghị đã đề xuất một số giải pháp rất cụ thể với từng đối tượng. Riêng với tỉnh Điện Biên, lãnh đạo địa phương cần tăng cường kết nối, quan tâm vận dụng sáng tạo quy luật “Quy mô lớn”, phát huy có hiệu quả những giá trị khác biệt của mô hình hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng. Đặc biệt nhất là hình thành mô hình HTX Lâm nghiệp vùng Tây Bắc, với quy mô 3 triệu ha rừng để đủ lớn tham gia thị trường tín chỉ cabon thế giới hiệu quả; thành lập HTX Dược liệu vùng Tây Bắc để phát huy lợi thế về dược liệu đặc hữu vùng Tây Bắc có giá trị dược liệu và kinh tế cao, như cây sâm tỉnh Lai Châu, Thảo quả, Táo mèo tỉnh Điện Biên; HTX Mắc ca Tây Bắc; HTX Cà phê arabica Tây Bắc,…; hình thành HTX Du lịch vùng Tây Bắc, trên cơ sở hình thành các tua, tuyến du lịch vùng Tây Bắc, lấy Điện Biên làm trung tâm, di chuyển bằng đường hàng không, kết nối du lịch với các tỉnh Lai Châu, Sơn La,…

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông, hoàn thành các tuyến giao thông huyết mạnh có vai trò chiến lược với việc phát triển kinh tế vùng. Ngoài những hoạt động sản xuất kinh tế, tỉnh cũng cần phát huy tiềm năng du lịch, bằng việc thành lập HTX du lịch trải nghiệm lịch sử để khai thác phát huy tối đa “Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia: Điện Biên Phủ - 1954”; thông qua đó giới thiệu quảng bá Điện Biên, quảng bá giới thiệu xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh.

5. Liên kết doanh nghiệp khai thác tiềm năng Điện Biên

tmdt

Ký kết Nhóm hợp tác chung giữa VACOD với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên và Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh thành phố.

Về phía doanh nghiệp và các nhà đầu tư, cũng cần chủ động quan tâm hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Điện Biên và các địa phương trong vùng Tây Bắc, kết nối, thành lập các mô hình HTX quy mô lớn các tỉnh, cấp vùng để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, những giá trị khác biệt của KTTT, HTX tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc; hình thành các chuỗi giá trị khép kín về cây con chủ lực của Vùng như nêu trên, để đủ lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mang lại lợi ích khác biệt cho người nông dân Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.

Doanh nghiệp nên quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững; nghiên cứu tìm ra những giá trị khác biệt của sản phẩm, dịch vụ,… để xây dựng và phát triển thương hiệu. Để xây dựng và phát triển một thương hiệu phải bài bản, chuyên nghiệp; xác định lâu dài, kiên trì, bền bỉ, chắt chiu uy tín, chất lượng sản phẩm. Điện Biên có nhiều lợi thế sản phẩm địa phương nên cần quan tâm liên kết, hợp tác tạo dựng vùng nguyên liệu, vùng sản phẩm đầu vào quy mô lớn, ổn định, bền vững để tạo thành các chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, đủ lớn, tăng sức cạnh tranh, nâng giá trị sản phẩm để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.