Nhờ sự đam mê, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà nhiều nông dân tại thành phố Cao Lãnh đã chuyển đổi các ruộng lúa canh tác kém hiệu quả sang trồng các cây khác hoặc làm ao bán nổi để nuôi cá, vươn lên khá, giàu. Mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao nổi, trải bạt ni lông của anh Nguyễn Chí Tâm (ngụ khóm 6, Phường 6) là một trong những điển hình.
Gần 3 năm qua, anh Nguyễn Chí Tâm đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể lót bạt. Mô hình này đã mang về nguồn thu nhập cho anh Tâm hàng tỷ đồng mỗi vụ.
Anh Nguyễn Chí Tâm sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sen Hồng, một vùng quê yên bình bên dòng sông Tiền hiền hòa. Thuở nhỏ, những lần cùng ông cha thả lưới, đánh bắt cá trên dòng sông mênh mông đã in sâu vào ký ức của Tâm. Trong những lần đó, anh luôn háo hức chờ đợi khoảnh khắc kéo lên được những con cá chạch lấu, một loài cá quý hiếm và có giá trị cao. Những ký ức tuổi thơ gắn liền với hình ảnh cá chạch lấu đã trở thành động lực thúc đẩy anh ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với nghề nuôi cá này.
Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Để theo đuổi ước mơ, Anh cần có vốn đầu tư, và đó là điều mà anh chưa thể thực hiện ngay lập tức. Quyết định gác lại ước mơ, hai vợ chồng anh đã rời quê hương để tìm kiếm cơ hội mới ở nhiều nước. Với niềm đam mê ẩm thực, anh Tâm đã trở thành Bếp phó trên hai con tàu du lịch 5 sao, thực hiện các hành trình từ Singapore đến những quốc gia châu Á và châu Âu. Trong suốt thời gian này, anh không chỉ hoàn thiện kỹ năng nấu nướng mà còn được các đầu bếp hàng đầu thế giới chỉ dạy về cách chế biến và trang trí các món ăn.
Qua những trải nghiệm đó, Tâm đã trở thành một đầu bếp thành thạo, có khả năng chế biến đa dạng các món ăn Á và Âu. Đặc biệt, anh thường sử dụng các nguyên liệu địa phương kết hợp với gia vị nước ngoài để tạo ra những món ăn vừa mang đậm hương vị quê hương, vừa xứng tầm quốc tế. Dù xa quê, nhưng trong lòng vẫn luôn nung nấu ước mơ được trở về và khởi nghiệp với con cá chạch lấu, loài cá mà anh luôn trân quý từ thuở bé.
Sau khi dịch Covid lắng xuống, với sự quyết tâm và khát vọng thực hiện ước mơ, anh và vợ đã trở về quê hương. Thành lập cơ sở sản xuất Ngọc Thiên Ân và bắt đầu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, kết hợp với nghiên cứu về đời sống tự nhiên của loài cá chạch lấu. Nhờ sự kiên trì và nỗ lực, anh Tâm đã thành công trong việc lai tạo và nuôi dưỡng cá chạch lấu, sử dụng nguồn nước tinh khiết từ dòng sông Tiền và áp dụng các phương pháp nuôi trồng phù hợp với môi trường sống tự nhiên của loài cá này. Nhờ đó, cá chạch lấu của anh vẫn giữ được hương vị đặc trưng, không thua kém so với cá được bắt từ tự nhiên.
Không dừng lại ở đó, anh Tâm đã tận dụng kinh nghiệm chế biến thực tiễn của mình để phát triển các sản phẩm chế biến từ cá chạch lấu, như cá chạch lấu kho sả nghệ, cá chạch lấu một nắng hai sương, và cá chạch lấu nướng mang thương hiệu Ngọc Thiên Ân. Những sản phẩm này không chỉ giữ được hương vị quê nhà mà còn đáp ứng được nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng hiện đại.
Dù mới chỉ là những bước đi ban đầu nhưng cá chạch lấu Ngọc Thiên Ân đã và đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng khởi nghiệp. Với niềm đam mê và tâm huyết, chúng tôi tin rằng Ngọc Thiên Ân sẽ trở thành một thương hiệu nổi tiếng về đặc sản cá chạch lấu không chỉ ở Đồng Tháp mà còn trên toàn quốc.
Anh Nguyễn Chí Tâm với mô hình nuôi cá chạch lấu trong vườn xoài
Đây là một hình thức nuôi cá tốn ít chi phí và mang lại lợi nhuận cao, khẳng định được nhiều ưu thế nổi trội so với nuôi cá trong các ao truyền thống. Nhờ nuôi cá chạch lấu theo cách này, trung bình mỗi năm anh Tâm thu về từ 600 - 850 triệu đồng tiền bán cá thương phẩm và cá giống.
Trên mảnh vườn rộng 4000 m2 đang trồng xoài, anh Tâm quyết định kết hợp nuôi thêm cá chạch lấu. Anh lên ý tưởng dùng ao nổi để nuôi cá, toàn bộ ao nuôi được anh sử dụng bằng bạt nhựa dày, có khả năng chống thấm nước và không gây tổn thương cho cá. Bên trong ao sử dụng thêm hệ thống quạt nước để tạo dòng chảy và tăng lượng oxy hoà tan trong nước, ao có dung tích khoảng 8000 m3 nước.
Ban đầu, anh Tâm chỉ nuôi hơn 10.000 con cá giống và cho ăn bằng thức ăn dạng viên công nghiệp có độ đạm cao. Qua hơn 01 tháng chăm sóc, thấy cá lớn nhanh và thức ăn phù hợp, anh đã tiếp tục sử dụng thức ăn viên công nghiệp và tăng lượng thức ăn theo quá trình tăng trưởng của cá, thời gian nuôi khoảng từ 08 đến 12 tháng sẽ thu hoạch.
Anh Tâm cho biết, “Cá chạch lấu không khó nuôi như nhiều người nghĩ, chỉ cần cho ăn đúng cách và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Cho cá ăn cũng nên theo giờ nhất định vào buổi sáng và buổi chiều để tạo thói quen, cá ăn đều sẽ tăng trưởng nhanh. Làm thêm mái che vào những tháng nắng nhiều tránh làm thay đổi nhiệt độ nước đột ngột, để những thanh tre, thanh gỗ vào ao cho cá có nơi trú ẩn, tầm 04 - 05 ngày thay nước một lần. Khi thời tiết thay đổi hoặc tùy vào độ tuổi của cá mà có cách phòng bệnh khác nhau”.
Mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm được anh Tâm thực hiện ngay trong vườn xoài của gia đình nên khi thay nước ở các ao nuôi anh còn tận dụng nguồn nước này để tưới vườn, giúp cây sinh trưởng tốt quanh năm và giảm được lượng phân bón. Từ đó, anh quyết định cải tạo lại vườn xoài của gia đình theo hướng hữu cơ, tham gia và trở thành thành viên của dự án “Cải tạo vườn xoài theo hướng hữu cơ” Phường 6.
Năm 2023, sau khi đã chủ động được về nguồn giống và thị trường tiêu thụ, anh Tâm quyết định mở rộng mô hình nuôi cá chạch lấu của gia đình. Đến nay, đàn cá của anh đã lên đến 18.000 con. Hiện, anh cung ứng cả con giống và cá chạch lấu thương phẩm ra thị trường.
Theo ông Võ Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cao Lãnh, mô hình nuôi cá chạch lấu trên bể bạt của hộ anh Nguyễn Chí Tâm ở Phường 6 là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này có thể tận dụng được bóng mát dưới những tán xoài, khai thác đa giá trị trên một đơn vị diện tích. Trong thời gian tới, sau khi có đánh giá rõ ràng thì Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn.
Bài viết được trích dẫn từ:
Để xem chi tiết bài viết gốc, vui lòng truy cập vào liên kết bên dưới...
Anh Nguyễn Chí Tâm chuẩn bị thức ăn cho cá chạch lấu nuôi trong bể lót bạt
Hơn 10 năm bôn ba, làm qua nhiều công việc ở hơn 5 quốc gia, năm 2020, anh Tâm trở về quê. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân, gắn bó với sông nước, anh Tâm nhận thấy nguồn cá ngoài tự nhiên, nhất là những loài cá đặc sản của sông Mê Kông ngày càng cạn kiệt, trong đó có cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu. Hiện nay, 2 loài cá này được thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế rất cao nên anh Tâm nảy sinh ý tưởng nuôi kết hợp cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ ngay trong vườn xoài rộng 4.000m2 của gia đình.
Theo anh Tâm, sau thời gian tính toán, cân nhắc, tháng 6/2021, anh quyết định nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt. Anh xây bể lót bạt thể tích 800m3 ngay trong vườn xoài, thả 10.000 con cá chạch lấu giống. Sau đó, anh thả thêm 100kg cá heo đuôi đỏ giống vào nuôi chung vì loài này chủ yếu ăn chất thải của cá chạch, nguồn thức ăn thừa và rong rêu nên gần như không tốn thêm thức ăn.
So với cách nuôi truyền thống, nuôi cá chạch lấu, cá heo đuôi đỏ trong bể lót bạt là cách làm mới. Chưa có kinh nghiệm, anh Tâm gặp nhiều khó khăn vì hệ thống bơm oxy, cấp nước và bể lọc chưa tương thích dẫn tới môi trường nước không ổn định, cá giống chết hàng loạt; do chậm phát hiện, ngăn ngừa một số loại bệnh trên cá, khiến 1/3 đàn cá bị hao hụt. Anh vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và mất thời gian khoảng 1 năm để nắm vững kỹ thuật nuôi cá trong bể lót bạt.
Anh Nguyễn Chí Tâm cho biết, sau 12 tháng thả nuôi, anh thu hoạch vụ cá đầu tiên, xuất bán được 3,5 tấn cá chạch lấu (giá 250.000 đồng/kg), lãi khoảng 200 triệu đồng. Còn cá heo đuôi đỏ thu hoạch được 800kg bán với giá 500.000 đồng/kg, lãi hơn 300 triệu đồng. Tuy vụ nuôi đầu tiên chưa có kinh nghiệm, cá bị hao hụt nhiều nhưng nhờ bán được giá cao nên lợi nhuận rất khả quan.
Phát huy kết quả đạt được, vụ nuôi thứ 2, anh Tâm phát triển thêm 1 bể lót bạt với thể tích gần 200m3. Với 2 bể, anh luân phiên thả nuôi cá cách nhau vài tháng, tránh thu hoạch cùng thời điểm. Vì nắm vững kỹ thuật nuôi cá nên những vụ tiếp theo, tỷ lệ cá hao hụt ít, mang về cho anh Tâm nguồn thu trung bình mỗi vụ hơn 1 tỷ đồng.
Hiện nay, tình hình tiêu thụ cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ rất thuận lợi, thương lái đến tận nơi thu mua với giá khá cao. Anh Tâm còn bán lẻ cho tiểu thương ở các chợ, nhà hàng, quán ăn... Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, có chiều hướng phát triển rất tốt, anh sẽ tăng quy mô nuôi cá trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Chí Tâm đánh giá, việc nuôi cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu trong bể lót bạt có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống do không cần diện tích đất lớn; có thể nuôi thâm canh, nuôi liên tục trong năm; giảm chi phí vận hành, chăm sóc; quản lý, kiểm soát được nguồn nước, dịch bệnh trên cá, nguồn thức ăn và cá tạp...
Đặc biệt, anh Tâm nghiên cứu lắp đặt thành công hệ thống xử lý nước tuần hoàn. Nước trong ao nuôi liên tục bơm qua hệ thống xử lý rồi bơm ngược lại vào ao. Sử dụng lại nguồn nước để không gây ô nhiễm môi trường, liên tục tạo nguồn nước sạch cung cấp vào bể nuôi, vì đây là loài cá chỉ sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước sạch. Cùng với đó là giảm chi phí thay nước, cá ít bị bệnh, phát triển nhanh. Trung bình mỗi tháng, anh Tâm xả nước thải từ bể ra vườn xoài một lần để thay nước mới, góp phần đỡ chi phí tưới cây và phân bón.
Bể lót bạt nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ được đặt ngay trong vườn xoài
Mô hình nuôi cá của anh Tâm đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương trong việc vệ sinh bể nuôi, thu hoạch cá... Anh Tâm nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá trong bể lót bạt với nhiều nông dân ở địa phương vì anh mong muốn thời gian tới, sẽ thành lập Tổ liên kết nuôi cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ để có thể cung cấp liên tục nguồn hàng, sản lượng lớn cho thị trường. Đó là một trong những yếu tố để hiện thực hóa mục tiêu xa hơn của anh là xuất khẩu 2 loài cá đặc sản này sang nước ngoài, vừa tăng giá trị kinh tế, vừa quảng bá đặc sản của quê hương.
Mô hình kinh tế của anh Nguyễn Chí Tâm phù hợp hình thức nông nghiệp đô thị, nơi có diện tích đất nhỏ và hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường. Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cao Lãnh Võ Thanh Tuấn cho biết, anh Tâm là người dám nghĩ, dám làm và có thể là một trong những người tiên phong ở TP Cao Lãnh trong việc áp dụng mô hình kinh tế mới này. Bước đầu, nhận thấy mô hình kinh tế của anh Tâm mang lại hiệu quả rất cao. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ có những cuộc khảo sát, đánh giá cụ thể về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hiệu quả kinh tế để sau đó có thể nhân rộng trên địa bàn.
Bài viết được trích dẫn từ:
Để xem chi tiết bài viết gốc, vui lòng truy cập vào liên kết bên dưới...