Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Kiên Giang đã đạt được nhiều kết quả, xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp của đảng viên, thanh niên khu vực nông thôn.
Anh Nguyễn Đông Thái hướng dẫn người dân chăm sóc dưa lưới trong nhà kính.
Những năm qua, nhiều đảng viên trẻ ở Kiên Giang nuôi dưỡng hoài bão và không ngừng nỗ lực trên con đường lập thân, lập nghiệp, từ đó đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn giúp cho nhiều nông dân thay đổi tập quán sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp sạch.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Kiên Giang Lâm Quốc Toàn cho biết: Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Kiên Giang đã đạt được nhiều kết quả, xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp của đảng viên, thanh niên khu vực nông thôn. Các mô hình này chưa phải lớn, xong hiệu quả cao, khai thác được tài nguyên bản địa, tạo việc làm cho thanh niên, tạo hiệu ứng xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng...
Sau thời gian học hỏi kỹ thuật trồng dưa lưới sạch trong nhà kính, năm 2020, anh Nguyễn Đông Thái trồng thử nghiệm trên 1.000 m2 đất tại quê nhà ở ấp Bình Phong, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận. Anh Thái đầu tư kinh phí xây dựng nhà kính trị giá hơn 400 triệu đồng. Đây là nguồn vốn được Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận cho vay tín chấp. Mô hình trồng dưa lưới áp dụng quy trình của một công ty bao tiêu sản phẩm đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Theo ký kết, doanh nghiệp này cung cấp giống, phân bón và bán bản quyền về kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá 40.000 đồng/kg. “Dưa lưới tôi trồng sử dụng phân vi sinh, bằng cách ủ đầu tôm giống để cung cấp lượng can-xi cho dưa phát triển. Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, nên người tiêu dùng an tâm”, anh Thái bộc bạch.
Anh Thái đã thu hoạch được 2 vụ dưa lưới, mỗi vụ được 4 tấn dưa, toàn bộ sản phẩm được bao tiêu đúng theo hợp đồng ký kết. “Từ 1.000 m2 đất, mỗi vụ dưa tôi đạt lợi nhuận 50 triệu đồng, về hiệu quả kinh tế các loại cây trồng khác không thể so sánh được”. Theo anh Thái, trồng dưa lưới trong nhà kính không tốn nhiều công sức chăm sóc. Lựa được giống dưa tốt xem như thành công 50%, khi trồng xuống tỷ lệ cây con chết chỉ hơn 1%. Áp dụng tưới nước nhỏ giọt nên chi phí thuê nhân công thấp, đồng thời dưa lưới có thể trồng từ 4-5 vụ/năm. Anh Thái dự kiến sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới, đồng thời hứa hỗ trợ người dân địa phương về giống, kỹ thuật trồng nhằm góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, cũng như giúp bà con địa phương tăng thu nhập, nâng hiệu quả sản xuất.
Cũng ở huyện vùng sâu Vĩnh Thuận, đảng viên trẻ Lê Trung Kiên giờ có thêm biệt hiệu là “vua cá bống tượng”. Không chỉ thành công về nuôi cá bống tượng thương phẩm, anh Kiên còn xây dựng nên hợp tác xã nuôi cá bống tượng để phát triển và nhân rộng mô hình này. Anh Kiên cho biết, cách đây tầm 10 năm, phần lớn người dân ấp Ranh Hạt (xã Vĩnh Phong) chỉ phát triển mạnh hai loại cây con chủ yếu là nuôi tôm, trồng lúa. Nhiều thanh niên trong ấp, đất ít nên phải lên thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ làm thuê kiếm sống. Một số khác thì loay hoay tìm cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. “Tôi cũng tha hương, nhưng đi đây đó tìm và học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả đem về áp dụng tại quê mình. Cá bống tượng là loài cá bống sống tại vùng nước ngọt có giá trị về dinh dưỡng và kinh tế cao”, anh Kiên nhớ lại.
Có kế hoạch phù hợp, anh Kiên bỏ vốn mua cá giống, lấy đất nhà ra làm thí điểm. Không ngờ, cá bống tượng lại khá thích hợp với vùng đất một thời “đỉa lềnh tựa bánh canh” này. Nuôi cá bống tượng không cần diện tích lớn. Mỗi ao cá từ 150-200 m2 là đủ. Mật độ thả cá 1 con/m2, thức ăn là các loại cá tạp bằm nhuyễn, tép con có nhiều trên các vuông tôm. “Tôi không cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp mà tận dụng cá nhỏ trên vuông tôm và thu mua của hàng xóm. Nhờ vậy mà con cá bống chắc thịt, thơm ngon”, anh Kiên nói.
Chỉ từ 3 ao cá bống tượng nuôi thí điểm ban đầu, 3 năm liền mỗi năm anh Kiên có thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh Kiên tăng dần diện tích và ao nuôi, qua 7 năm nuôi cá bống tượng, anh Kiên đã có lợi nhuận hàng tỷ đồng. Hiện, Hợp tác xã nuôi cá bống tượng ấp Ranh Hạt do anh Kiên làm giám đốc đã có 20 thành viên tham gia. Nhiều xã viên đã thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như xã viên Trần Văn Ngoan (35 tuổi), từ con cá bống tượng và 4 ha đất tôm-lúa, hằng năm thu về hơn 500 triệu đồng, mức thu nhập khủng so với một gia đình nông dân tại đây.
Năm 2012, anh Thạch Le Ne từ tỉnh Trà Vinh đến ấp Tà Săng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương lập nghiệp. Dồn hết vốn liếng anh Le Ne mua được 2 ha đất nông nghiệp nhưng đất còn hoang hóa, toàn cây năng và cỏ nước mặn sinh sống. Anh Le Ne đã liên hệ chính quyền địa phương để hiểu về chủ trương quy hoạch, hướng phát triển của vùng đất này. Để tỏ rõ sự quyết tâm gắn bó với Tà Săng, Dương Hòa, anh Le Ne tham gia công tác ở tổ, ở ấp và làm đơn xin vào Đảng. “Vào Đảng cũng là cách để tôi tiếp cận với chủ trương, chính sách, với cái mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Tôi may mắn được nhiều “thầy” nông dân chỉ dẫn kinh nghiệm nuôi tôm, đồng thời được tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, nên dần dần sản xuất có hiệu quả”, anh Thạch Le Ne thật thà nói.
Cuối năm 2018, anh Thạch Le Ne thắng lớn từ mô hình nuôi tôm quảng canh, với doanh thu gần 200 triệu đồng từ 2 ha đất. Vừa sản xuất, vừa tích lũy, anh Thạch Le Ne đã mua thêm được 18 ha đất liền kề với 2 ha đất ban đầu để mở rộng diện tích sản xuất. Có một điều rất đặc biệt, nhiều hộ dân có diện tích đất lân cận với anh nhưng lại sản xuất không hiệu quả nên bán đất lại cho anh với giá tương đối mềm. Những năm qua, từ 20 ha đất nuôi tôm quảng canh, xen với cua, anh Le Ne thu về từ 600-800 triệu đồng sau hai vụ/năm. Anh cho biết, để mô hình nuôi tôm quảng canh đạt hiệu quả, bán được giá, người nuôi phải theo sát quá trình sinh trưởng của tôm. Tùy từng thời điểm người nuôi chủ động gây tảo, rong để làm thức ăn thiên nhiên, cho tôm mới khỏe mạnh, thích ứng tốt môi trường. Hơn nữa, tôm, cua ăn rong rêu sẽ chắc thịt, thị trường ưa chuộng, bán được giá.
Chỉ 5 năm định cư trên vùng đất phèn mặn, cằn cỗi, nhưng người đảng viên dân tộc Khmer Thạch Le Ne đã có trong tay tài sản nhiều tỷ đồng. Hiện anh Le Ne còn là Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Núi Mây, chuyên cung ứng con giống, thức ăn, vôi, đồng thời liên kết thương lái, doanh nghiệp thu mua sản phẩm tôm, cua trên địa bàn.
Bài viết được trích dẫn từ:
Xem chi tiết bài viết gốc ở đường link bên dưới...