Hiệp hội bóng chuyền nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay gọi là Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam) được thành lập ngày 10 tháng 6 năm 1961 theo Quyết định số 138-NV ngày 10/6/1961 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đông đảo tầng lớp nhân dân trong cả nước hưởng ứng. Từ đây, phong trào tập luyện bóng chuyền được phổ cập và phát triển rộng khắp trên mọi địa bàn của đất nước, thu hút đông đảo đối tượng tham gia.
Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, bằng những cố gắng, nỗ lực, đóng góp bền bỉ của nhiều thế hệ, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã từng bước lớn mạnh, trưởng thành và trở thành một trong những tổ chức xã hội - nghề nghiệp mạnh, có uy tín của Thể thao Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo và ủng hộ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như của Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã tạo được mối quan hệ tốt với các địa phương và các tổ chức kinh tế, xã hội đồng hành cùng bóng chuyền Việt Nam.
Các đội tuyển bóng chuyền Việt Nam đã có nhiều cơ hội tham dự trên các đấu trường quốc tế, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam được tín nhiệm trao quyền đăng cai, tổ chức thành công nhiều giải bóng chuyền của Châu lục và Thế giới, góp phần tích cực tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó với các quốc gia trên thế giới, đóng góp đáng kể vào thành công chung của thể thao Việt Nam.
Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam, tập hợp các Liên đoàn bóng chuyền địa phương, các hội, các ngành, các Câu lạc bộ bóng chuyền và các tổ chức thành viên khác tiến hành hoạt động bóng chuyền nhằm mục đích rèn luyện sức khoẻ, phát triển tài năng.
Mục đích của Liên đoàn là tuyên truyền, vận động, tổ chức và hướng dẫ tham gia tập luyện và thi đấu để rèn luyện sức khoẻ, thể lực, nâng cao thể chất cho quần chúng và hội viên tham gia phát triển thành tích bóng chuyền trong nước, góp phần nâng cao vị thế của bóng chuyền Việt Nam trong khu vực, châu lục và thế giới.
Nhiệm vụ của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là:
1. Phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội để:
2. Xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thi đấu các giải quốc gia mang tính chuyên nghiệp cao phù hợp với hệ thống thi đấu của khu vực, châu lục và thế giới.
3. Xây dựng và phát triển kế hoạch hợp tác quốc tế về bóng chuyền, hợp tác chặt chẽ với Liên đoàn bóng chuyền Thế giới, Liên đoàn bóng chuyền Châu Á, Liên đoàn bóng chuyền Đông Nam Á và các Liên đoàn quốc gia sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Tổ chức và quản lý theo thẩm quyền các cuộc thi đấu bóng chuyền trong nước và quốc tế được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.
5. Xây dựng nền bóng chuyền Việt Nam phát triển lành mạnh, ngăn chặn tiêu cực, chống tham nhũng, hối lộ, mua bán độ và sử dụng chất kích thích.
6. Phát tiển các tổ chức thành viên, khuyến khiích giúp đỡ các tổ chức bóng chuyền ở địa phương, ngành về chuyên môn và nghiệp vụ.
7. Huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động bóng chuyền. Thu hút các nguồn tài trợ trong nước và ngoài nước theo đúng qui định của pháp luật để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Liên đoàn.
8. Kiến nghị và đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các vấn đề:
1. Ban Huấn luyện, Đào tạo và Nghiên cứu khoa học
2 . Ban Tổ chức thi đấu và Trọng tài:
3. Ban Tài chính, Tài trợ, Truyền thông:
4. Ban Bóng chuyền Phong trào:
5. Ban Bóng chuyền Bãi biển
6. Ban Quan hệ quốc tế, Tuyên truyền Pháp chế, Khen thưởng và Kỷ luật
7. Văn phòng Liên đoàn:
Môn bóng chuyền (BC) ra đời vào cuối thế kỷ thứ 19, non nửa thế kỷ sau, những năm đầu của thập kỷ 20, môn này đã du nhập vào nước ta. Có thể thấy, ngay từ thuở trứng nước, BC đã nhanh chóng trở thành môn thể thao được người Việt Nam ưa thích và cùng với biết bao thăng trầm của đất nước, môn thể thao giàu chất Olympic này được duy trì, ngày càng phát triển, để đến hôm nay bóng chuyền Việt Nam (BCVN) xứng đáng, tự hào và khiêm nhường xiết tay nhau cùng hướng về phía trước. Đáng ghi nhận nhất, đại gia đình BCVN được vinh dự lớn đồng hành cùng dân tộc và có những đóng góp nhất định trong sự nghiệp xây dựng nền thể thao theo tư tưởng “vì dân cường nước thịnh” mà Bác Hồ đã dạy.
Theo các chuyên gia và qua những kết quả nghiên cứu, bóng chuyền (BC) du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau: ban đầu là các lái buôn người Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, sau đó là những thành viên của bộ máy cai trị của thực dân Pháp đưa qua xứ Đông Dương. Vì vậy, nhiều yếu tố chuyên môn như luật chơi và những quy định khác đã được định hình. Thời kỳ đầu, môn BC chỉ phổ biến trong giới học sinh người Hoa ở Hà Nội, Hải Phòng và ở một số thành phố khác.
Năm 1927, trận đấu BC đầu tiên được tổ chức giữa người Hoa ở Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1928, trận đấu giao hữu giữa 2 đội Việt Nam và Pháp được tổ chức tại Bắc Kỳ. Không lâu sau, BC cùng những môn thể thao khác như: bóng đá, bóng bàn và tennis là những môn chơi khá phổ biến. Riêng tại Hà Nội, thời kỳ Mặt trận bình dân, chính là thời kỳ BC có thêm các sân chơi ở các trường Albert Saraut, Bưởi (Chu Văn An) và một số địa điểm khác như khu vực nhà máy rượu, sân Pasteur, sân Manzin (Cột Cờ).
Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền thuộc về tay nhân dân, ngày 27 tháng 3 năm 1946, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục và lời kêu gọi của Người đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước hưởng ứng. Từ đây, BC được phổ cập rộng rãi hơn và trở thành một môn thể thao chủ yếu được tập luyện của những đơn vị bộ đội, cơ quan, trường học ở chiến khu Việt Bắc, khu 4, khu 5 và ngay cả trong các vùng địch tạm chiếm.
Hình ảnh Bác Hồ chơi BC cùng cán bộ chiến sỹ ở chiến khu Việt Bắc là một kỷ niệm sâu sắc và là niềm tự hào mà chỉ riêng môn BC mới có. Và ngay ở thời kỳ này đã xuất hiện một số giải BC mang tính khu vực, như: Giải vô địch Liên khu 3 cho 3 tỉnh: Hải Dương, Thái Bình và Hưng Yên; Giải vô địch Liên khu 5 cho Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, phải đến ngày hòa bình lập lại sau hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), môn BC mới đủ điều kiện đi vào quỹ đạo mới và có nền tảng để tồn tại và phát triển.
Ngay sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Bác Hồ và Chính phủ về lại Thủ đô, bộ máy của nhà nước được kiện toàn, Nha Thanh niên và Thể dục được thành lập. Từ đó, việc chỉ đạo và xây dựng phong trào TDTT bắt đầu bước sang trang mới. Môn BC nhận được sự ủng hộ của cả xã hội, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Sự nghiệp TDTT nói chung và môn bóng chuyền nói riêng phát triển một cách bài bản. Từ đó, môn BC có nhiều điều kiện phát triển, đặc biệt trong các lực lượng vũ trang và vì thế, đoàn Thể Công - đơn vị đặc biệt của Quân đội, gồm các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) của nhiều môn, trong đó có BC được thành lập. Tuy còn non trẻ nhưng đội BC Thể Công đã thực sự trở thành một tập thể tiêu biểu cho nền thể thao mới và trở thành nòng cốt cho đội tuyển quốc gia trong giai đoạn đó và cả các thời kỳ sau.
Năm 1957, đội tuyển BC nam nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời, thành phần là những cầu thủ Thể Công và các gương mặt xuất sắc đến từ Hà Nội và vài tỉnh thành khác. Đội BC nam đã tham dự giải BC 4 nước: Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ và Việt Nam tại Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên; đây là bước đi ban đầu quan trọng và rất ý nghĩa có tác dụng khai thông mối quan hệ quốc tế của BCVN. Năm 1960, cả miền Bắc hân hoan chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, không khí thi đua sôi nổi và phong trào BC lúc này có điều kiện lan rộng tới các trường học, cơ quan và các vùng nông thôn, các công - nông - lâm trường. Điều đáng ghi nhận là sự vào cuộc của chị em phụ nữ, khi đồng loạt xuất hiện các đội BC nữ, như: Viện Quân Y 108; Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam do nữ Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên làm đội trưởng; Học sinh trường cấp III Trưng Vương (Hà Nội); Cảng Hải Phòng, Bảo Thôn (Hà Nam); Nông trường Rạng Đông (Nam Định).
Từ phong trào ngày càng phát triển ấy, miền Bắc XHCN đã tổ chức các giải thi đấu có nhiều ý nghĩa, như: Giải Hòa Bình - Thống Nhất, Giải Mùa Xuân vào những năm 1956 - 1957. Cũng ở thời kỳ đó, Ủy ban TDTT đã mời một số chuyên gia Trung Quốc sang huấn luyện, đào tạo cán bộ VĐV. Từ đây BCVN đã tiếp thu được một số kỹ thuật, phương pháp huấn luyện mới, những kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng và phong trào. Giai đoạn này, hai đội tuyển nam - nữ BC nước ta luôn được đi tập huấn và thi đấu tại giải truyền thống 4 nước: Việt -Trung - Triều - Mông, lại được cọ xát cùng các đội BC quốc tế đến thi đấu hữu nghị tại Việt Nam, như: Bulgari (1959), Campuchia (1960) và Liên Xô (1961).
Cũng từ đây, chúng ta bắt đầu hình thành hệ thống thi đấu hàng năm, ban đầu là giải BC truyền thống hạng A toàn miền Bắc, gồm: 8 đội nam, 8 đội nữ. Ngoài ra còn có các giải truyền thống dành cho các vùng nông thôn, miền núi, kể cả phong trào Xây dựng “Quê hương BC 3 nhất” nhằm gắn TDTT với sản xuất.
Nhu cầu đào tạo lực lượng cán bộ, HLV, VĐV đỉnh cao môn BC và sự hình thành những mối quan hệ quốc tế dẫn đến việc ngành TDTT có những quyết định kịp thời, như thành lập trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương (1961), trong đó có 2 đội BC nam - nữ. Trường đã xứng đáng là nơi tập hợp các tài năng của các địa phương và các ngành, được tập trung huấn luyện nâng cao thành tích làm nòng cốt cho đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế và là nòng cốt cho phong trào cả nước. Và không lâu sau, tháng 6/1961 tổ chức quần chúng có tư cách đại biểu cho môn thể thao chuyên ngành như các nước trên thế giới - Hội BCVN ra đời và là hội viên thứ 156 của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB). Từ đó, môn BC được phát triển ngày càng vững chắc, gặt hái nhiều thành công, hệ thống thi đấu bắt đầu đi vào nền nếp và ổn định. Bên cạnh hệ thống giải hạng A, B toàn quốc, các ngành còn có các giải truyền thống riêng được duy trì nhiều năm, như: Đường Sắt, Công an, Bộ Đại học, Quân đội. Một số địa phương bắt đầu đào tạo năng khiếu gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Hà, Hải Dương, Quảng Ninh. Những giải bóng chuyền thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng được tổ chức hàng năm. Trong vai trò tư vấn, tổ chức xã hội của BCVN đã kết hợp, triển khai các hội nghị chuyên đề như: Hội nghị về phương hướng phát triển BC được tổ chức tại Thái Bình tháng 7/1963, trong đó đã xác định phương châm phát triển BC là: “Nhanh chuẩn, biến hóa trên cơ sở không ngừng nâng cao sức mạnh”. Giới BC miền Bắc cũng hưởng ứng phong trào thi đua với đội BC Nông trường Rạng Đông (Nam Định). Cùng lúc, Hội BCVN đã phát động phong trào thi đua “bật cao phát bóng giỏi” trong các đội tham gia các giải hạng A toàn quốc. Năm 1964, lần đầu tiên Ủy ban TDTT đã ban hành quy định về chế độ phong cấp kiện tướng và cấp I cho các VĐV môn BC.
Trong giai đoạn này, tại miền Nam Việt Nam cũng xuất hiện một tổ chức xã hội là Hội BC. Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) cũng thừa nhận tổ chức này gọi là “Accosiatim Amater de Volleyball South Vietnam”. Điều đáng nói là Hội BC này chỉ dành sự quan tâm phát triển môn BC ở một vài thành phố lớn và chú trọng đào tạo VĐV đỉnh cao để làm nhiệm vụ đối ngoại, tập trung chủ yếu trong Quân đội, Cảnh sát và thanh niên Sài Gòn. Đội tuyển nam phía Nam cũng đạt được một số thành tích nhất định như:
Đó là giai đoạn 1965-1975, là thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nước ta. Ở miền Nam, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng bước vào thời kỳ quyết liệt nhất, cả nước thắt lưng buộc bụng và dốc sức cho tiền tuyến với quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tại miền Bắc, do phải tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến, ở hậu phương vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt, các hoạt động TDTT trong đó có BC đều chuyển sang thời chiến với phương châm gắn liền với sản xuất và chiến đấu.
Tháng 3/1965, Hội BCVN đã tổ chức Hội nghị tại Hải Dương nhằm xác định phương hướng và nhiệm vụ hoạt động trong thời chiến. Môn BC vẫn được duy trì trong các trọng điểm: Các giải hạng A, hạng B và các ngành vẫn được tổ chức nhưng gọn nhẹ, phân tán về các vùng miền núi và nông thôn. Một số tỉnh như Thái Bình, Hải Dương đã có sáng kiến phát động phong trào cho các chi đoàn thanh niên phổ cập BC phù hợp với phong trào thể thao trọng điểm ở giai đoạn thời chiến là: chạy, nhảy, bơi, bắn, võ và đặc biệt là phong trào “cả xã biết bơi và chi đoàn biết đánh bóng chuyền”. Chính nhờ sự chuyển hướng kịp thời này nên chúng ta đã duy trì được phong trào, các VĐV ưu tú đã chuyển về cơ sở và được tập luyện thường xuyên. Hai đội tuyển nam - nữ nước ta đều giành vị trí thứ 3 thành tích đáng ghi nhận khi tham dự Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy (GANEFO) ở Indonesia năm 1963 và Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy châu Á tại Campuchia năm 1966.
Năm 1973, chỉ 8 tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chúng ta lại cử đội BC nữ tham dự giải trẻ các nước XHCN tại Triều Tiên và giành vị trí thứ 6/9 đội. Đây là kết quả của sự chuyển hướng kịp thời và duy trì phong trào trong thời kỳ chiến tranh.
Một số sự kiện được ghi nhận của BCVN ở giai đoạn này, là thành tích thi đấu tại Đại hội GANEFO 1963 (Indonesia) và giải thể thao mang tên Tiểu GANEFO châu Á 1966 (Campuchia). Tại đây, những cầu thủ của BCVN mà đa số là thành viên của Trường huấn luyện TDTT TW đã làm tốt công tác chuyên môn và chính trị, thể hiện rõ tính ưu việt của nền Thể dục thể thao XHCN. Những nhà thể thao này sau đó đều trở thành các cán bộ, huấn luyện viên chủ chốt của phong trào BC cả nước.
Đó là những năm tháng mà BCVN đã đồng hành toàn diện cùng cuộc chiến đấu vô cùng gay go nhưng tràn đầy niềm tin tất thắng, là thời kỳ bản lề của nền thể thao trước khi bước qua giai đoạn tăng tốc của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Hai mươi năm, một chặng đường dài đầy ý nghĩa. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà, đất nước ta bước ra khỏi chiến tranh tàn khốc nhưng dân tộc ta lại phải đương đầu và chịu đựng một sự thiếu thốn về vật chất, nền kinh tế gần như kiệt quệ vì hậu quả của chiến tranh.
Hòa bình đã trở lại, song khẩu hiệu “Tất cả cho miền Nam ruột thịt” như vẫn còn đó, công cuộc chi viện cho miền Nam của Đảng và Nhà nước được nhân dân cả nước hưởng ứng nhiệt liệt. Lần lượt các các đoàn thể thao, đặc biệt là 2 môn bóng đá, BC đã đi tiên phong. Sự kiện hai đội BC nam, nữ hạng A của phong trào miền Bắc và miền Nam thi đấu, biểu diễn, giao lưu với các tỉnh phía Nam được nhân dân hưởng ứng và ủng hộ. Từ đó, với truyền thống thượng võ sẵn có, khắp các tỉnh phía Nam từ thành thị đến nông thôn đồng bằng sông Cửu Long cho đến các tỉnh miền Tây đâu đâu cũng có phong trào luyện tập BC, môn BC thực sự trở thành môn thể thao được quần chúng yêu thích và tham gia tập luyện rất đông đảo ở phía Nam.
Năm 1976, BC là môn đầu tiên tổ chức giải toàn quốc cho các hạng A1 và A2 và được duy trì đều đặn hàng năm. Nổi bật nhất trong các tỉnh phía Nam phát triển mạnh mẽ môn BC và có các đội đỉnh cao như: TP. HCM, Đồng Nai, Long An, An Giang, Tây Ninh. Các đội bóng quân đội như: Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu 5, Quân đoàn 4 và lực lượng Công an như: Công an TP. HCM, Công an Long An (Nam), cũng từ đây một phong trào BC rầm rộ đã dấy lên. Đáng ghi nhận là tỉnh Long An, địa phương đầu tiên xây dựng phong trào BC nữ. Có thể nói đội BC nữ Long An là một đội mạnh ở thời kỳ này, chỉ sau các đội nữ ở các tỉnh phía Bắc là Quảng Ninh, Thái Bình, Bưu Điện Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thông tin.
Khi phong trào đã phát triển rộng lớn, các giải thường niên được tổ chức nền nếp và có truyền thống, việc tham gia thi đấu quốc tế, giao lưu hữu nghị được mở rộng. Năm 1991, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) ra đời và khẳng định với thế giới rằng Việt Nam có một tổ chức duy nhất là Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam với biểu tượng và điều lệ riêng. Đây là một sự kiện lớn của một tổ chức xã hội được Nhà nước công nhận và bảo hộ, hoạt động theo điều lệ và được tổ chức quốc tế công nhận. Cũng ở thời kỳ này, VFV đã liên tục kiện toàn bộ máy, đặt nền tảng cho tương lai thông qua một số nội dung như: Tổ chức thi, tiếp tục phong cấp VĐV kiện tướng và cấp 1 trong toàn quốc; phong cấp trọng tài quốc gia và cấp 1; đào tạo HLV, VĐV có hệ thống do tổ chức IOC tài trợ và tổ chức; cử trọng tài tham dự lớp đào tạo trọng tài quốc tế. Và từ đây, VFV là Liên đoàn có trọng tài cấp quốc gia và quốc tế đầu tiên trong các liên đoàn trên toàn quốc. Bên cạnh đó là việc tổ chức và tham dự các giải đấu quốc tế như: Cúp BC truyền thống 3 nước Đông Dương (từ năm 1981 đến năm 1990); Tham dự SEA Games 15 tại Malaysia (1989) và các SEA Games tiếp theo; Cúp châu Á - Thái Bình Dương, Cúp các CLB châu Á.
Tổ chức Cúp Thăng Long (nữ); phối hợp tổ chức giải nữ Cúp mùa Xuân (Hà Nội), giải nam Cúp Tiger (TP.HCM) và các giải nữ “Bông lúa vàng”, “Duyên hải”... Trong những năm tháng đáng nhớ này, BCVN đã thực sự trở thành môn thể thao có số người tham gia tập luyện đông đảo nhất, có hệ thống tổ chức thi đấu ổn định và duy trì truyền thống. Bên cạnh đó là đội ngũ HLV, VĐV và trọng tài được đào tạo chính quy và bài bản, đại đa số đều có trình độ trung cấp và đại học hoặc các khoa chuyên ngành do quốc tế mở và công nhận. Cùng lúc, một hệ thống các Trung tâm đào tạo VĐV trẻ và thành tích cao dần ổn định từ Hà Nội, TP.HCM đến Thái Bình, Long An, Hải Dương, trong đó phải kể đến Quân đội, Long An - những điểm sáng của phong trào BC vừa có chiều sâu lại vừa có thành tích đỉnh cao và duy trì yếu tố phát triển bền vững.
Giai đoạn 1995 - 2008, là thời điểm công cuộc đổi mới của đất nước ta đang gặt hái được những thành công ban đầu và cũng là thời kỳ mà nền thể thao hay BCVN đã có dấu hiệu ổn định về nhiều mặt, chúng ta đã tổ chức xây dựng một phong trào rộng rãi và có tính nhất quán, có chương trình hành động cụ thể và tạo không khí BC sôi động trong cả nước, chúng ta cũng tham dự đều đặn các kỳ SEA Games và một số giải mời. Một trong những dấu mốc quan trọng có ý nghĩa đó là Chương trình mục tiêu quốc gia ra đời đã mang đến một diện mạo mới của ngành cũng như của môn bóng chuyền. Và vì thế, thành tích đã được cải thiện: đội nữ giành HCB từ SEA Games 21 cho đến nay, đội tuyển BCBB nam giành được HCB, đội tuyển nữ giành được HCĐ tại SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam. Đội tuyển nam đã có HCĐ tại SEA Games 23 tổ chức ở Philippines (2005). Trong một số giải quốc tế, nhiều VĐV Việt Nam giành được giải thưởng cá nhân, danh hiệu VĐV tấn công xuất sắc nhất, đó là: Nguyễn Thị Hương Giang, Trần Thị Hiền, Bùi Thị Huệ, đặc biệt tại SEA Games 23 ở Philippines, phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa được nhận liền 3 giải xuất sắc nhất của Ban tổ chức. SEA Games 24 tổ chức tại Thái Lan (2007) đội tuyển nam đã xuất sắc giành HCB, VĐV Ngô Văn Kiều nổi lên như một hiện tượng của BC Đông Nam Á. Mối quan hệ giữa BCVN và BC khu vực, châu lục được cải thiện đáng kể và chúng ta dần có tiếng nói trong lòng bạn bè. Một số giải quốc tế đã được đăng cai tổ chức khá thành công, kể cả BC trong nhà và BC bãi biển.
Có được một số thành công như vậy là do yếu tố xã hội hóa đã bắt đầu thể hiện trong môi trường BCVN. Dưới sự chỉ đạo từ ngành TDTT, sự ủng hộ của xã hội, các ngành và nhất là sự vào cuộc của những doanh nghiệp yêu thể thao đối với BC, “bản đồ BCVN” đã có những thay đổi rất đáng khích lệ. Nhiều câu lạc bộ BC đã thay đổi tên gọi, gắn liền với các đơn vị kinh tế, nổi bật là những ngành Bưu điện, Công nghiệp (Dệt, Điện, Giấy), Xây dựng, Ngân hàng, Hàng không, Truyền hình. Cùng với thời gian, những cái tên đã trở nên quen thuộc cùng người hâm mộ BC, như: Dệt Long An (tiền thân của Bình Điền - Long An), Giấy Bãi Bằng, Bưu điện Quảng Ninh, Bưu điện Hà Nội, Than Hà Tu, Ngân hàng công thương, Vital Thái Bình, Lilama Hải Dương, Hoàng Long - Long An, Tràng An - Ninh Bình, Sanest Khánh Hòa và các đội bóng khối quân đội và công an.
Từ đây, xu thế chuyên nghiệp hóa bắt đầu trở nên sâu rộng hơn, hỗ trợ đắc lực cho mọi hoạt động của bóng chuyền. Theo đó, BCVN tiếp tục tự hoàn thiện mình và công tác chuyển nhượng VĐV hình thành như một yếu tố tất yếu theo xu hướng phát triển của BC thế giới. Cơn sốt chuyển nhượng bắt đầu đến với BCVN, đặc biệt là việc xuất hiện các cầu thủ ngoại. Hàng loạt tên tuổi đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam như: Piyamas, Patcharee, Say Mai, Pleumjit, Onuma, Wilawan, Jutharat, Supachai, Wanchai, Wang Bin, Zhao Yang Ming... Các doanh nghiệp yêu thích BC đều tính tới việc chuyển nhượng VĐV ngoại để cải thiện vị thế câu lạc bộ mình trên bản đồ BC và một thời kỳ mới của BCVN đã bắt đầu.
Công tác tổ chức thi đấu cũng ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 22 (2003) môn BC, nhiều giải Quốc tế khác liên tục được tổ chức tại Việt Nam kể cả những giải tầm châu lục và thế giới. BCVN được bạn bè quốc tế đánh giá cao, là quốc gia có nền BC phát triển ở khu vực và châu lục. Cũng theo đó, BCVN tổ chức nhiều giải đấu gắn với xã hội hóa, như: Giải Duyên hải miền Bắc; Giải Bông lúa vàng; Cúp mùa Xuân; Cúp Giấy Bãi Bằng; Cúp Hùng Vương; Cúp Hoa Lư - Ninh Bình; Cúp Báo thể thao; Cúp Cơ điện Trần Phú; Giải BC nữ quốc tế Cúp VTV; Giải BC nam quốc tế Cúp Sting, Giải bóng chuyền quốc tế mở rộng Cúp VTV Bình Điền, Cúp VIETSOVPETRO.
Công tác đào tạo cũng được nhiều ngành, địa phương quan tâm như: Quân đội, Hà Nội, TPHCM, Long An và một số trường thể thao thuộc quản lý của ngành.
Năm 2008, Đại hội nhiệm kỳ V của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã thành công với ý tưởng quyết tâm đưa con thuyền của BCVN Hội nhập đầy đủ và phát triển bền vững, việc tiếp tục thực hiện một cách sáng tạo chủ trương xã hội hóa nền TDTT nói chung và môn BC nói riêng, ý tưởng đó đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội và các doanh nghiệp. Trong ban lãnh đạo mới của VFV có đến 4 - 5 cán bộ chủ chốt là đại diện của những doanh nghiệp có tiềm năng và chính điều này là tiền đề cho sự phát triển BCVN trong giai đoạn mới. Và cũng từ Đại hội lần thứ V, VFV đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đó là việc kiện toàn bộ máy tổ chức, phân cấp điều hành. Tập trung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm làm hành lang pháp lý trong tổ chức và điều hành, hàng loạt quy chế được xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên, một trong những yếu tốt quyết định đến sự phát triển bền vững môn bóng chuyền. Dưới sự chỉ đạo và ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của Tổng cục TDTT, VFV đã tạo được mối quan hệ tốt với các địa phương và các tổ chức kinh tế, xã hội đồng hành cùng BCVN. Mặt khác, kế hoạch 5 năm của VFV cũng chỉ rõ các mục tiêu trước mắt và lâu dài về thành tích của các đội tuyển qua các kỳ SEA Games.
Bước sang thế kỷ 21, “bản đồ” của BCVN tiếp tục được bổ sung những địa chỉ có ý nghĩa, đó là những doanh nghiệp sát cánh cùng BC và sự kết hợp ấy đã đem đến những cái tên như VTV Bình Điền, Thông tin Lienviet Bank, Vietsovpetro, Tiến Nông Thanh Hóa, Sacombank Biên phòng, Thể Công Binh đoàn 15... và chính điều này đã khiến đời sống BCVN thêm nhiều hương vị mới. Trên các sàn đấu của BCVN tiếp tục được chứng kiến sự xuất hiện của nhiều cầu thủ đến từ các quốc gia: Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Sri Lanka, Bungari, Fiji, Đài Loan đồng thời chúng ta cũng đón nhận và chứng kiến những trận đấu đỉnh cao của châu lục và thế giới khi VFV đăng cai (Giải vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á, Giải vô địch trẻ nữ châu Á, Giải vô địch nữ châu Á, giải bóng chuyền nữ Thế giới Grand Prix). BCVN cũng tự hào vì có VĐV Ngô Văn Kiều được các câu lạc bộ hạng nhất của Indonesia mời sang thi đấu giải vô địch quốc gia và các giải quốc tế quan trọng. Với những thành tích đạt được, nhiều thế hệ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và trọng tài Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen của Thủ tướng, Bộ, ngành.
Nửa thế kỷ của BCVN đã đi qua, không thể không nhắc đến những người đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển của BC Việt Nam, như cố Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam Vương Bích Vượng, cố TTK Phạm Lượng, cố TTK Hà Mạnh Thư, Đào Hữu Uyển, Lý Đức Kim. Nay các đồng chí đã không còn để chứng kiến lớp đàn em đang tiếp bước các đồng chí. Chúng tôi, những người đang kế tục sự nghiệp ấy xin hứa với những người đã khuất rằng dù khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua để đưa BCVN phát triển đáp ứng lòng mong mỏi của người hâm mộ và của toàn xã hội.
Mùa Xuân năm nay, ngành TDTT và những người làm công tác BC vô cùng phấn khởi vì trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ tập trung xây dựng các môn thể thao đỉnh cao, một nét mới rất đáng chú ý. Cùng với việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, theo đó là Nghị quyết của Bộ chính trị về công tác TDTT. Đây là bước ngoặt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tạo niềm tin và định hướng cho toàn ngành, soi đường cho những bước đi của thể thao Việt Nam nói chung và VFV nói riêng trong giai đoạn mới, cho dù ngày hôm nay chúng ta hiểu rằng vẫn còn nhiều điều trăn trở và cần được suy nghĩ nghiêm túc để đưa tinh thần Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đồng hành cùng dân tộc, đó là niềm tự hào và niềm vui của “đại gia đình” BCVN. Chào mừng nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của LĐ BCVN, những người làm công tác BC bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và ngành TDTT. Xin cảm ơn các địa phương, ngành đã phối hợp cùng VFV, các nhà tài trợ, người hâm mộ BC cả nước, đặc biệt là những thế hệ cán bộ, HLV, VĐV và trọng tài - những người đã làm nên vẻ đẹp của BC hôm nay.
Nửa thế kỷ qua đi, đến hôm nay BCVN như con thuyền dũng cảm, mang tâm hồn và truyền thống đất nước, tự tin để vững vàng phát triển.
TUYỂN DỤNG MỚI