Trong thời gian gần đây, tôi gặp và nói chuyện với 4 doanh nghiệp, và tôi thấy có một điểm chung dẫn đến thất bại của công ty. Và tôi nhận ra giữa họ có những điểm sai lầm chung, đó là gì cũng làm, nhưng không có cái gì làm tới nơi tới chốn cả. Hoặc đơn giản là, họ xem nhẹ giá trị của những điều cơ bản nhất.
Hôm nay xin liệt kê ra một số cái, để mọi người tham khảo.
1 Cái gì cũng làm, nhưng CHƯA TỚI
Đây có lẽ là sai lầm cơ bản nhất của những startup (công ty khởi nghiệp). Đó là cái gì cũng làm, nhưng không có làm cái gì cho tới nơi tới chốn. Ví dụ cơ bản nhất là: Facebook làm, Youtube làm, Website làm, Chạy QC làm, viết nội dung LÀM.... và còn làm hàng tỷ thứ khác. Nhưng cái gì cũng làm chưa tới, Facebook thì vài trăm người theo dõi, toàn là người quen, bạn bè, đối tượng không bao giờ mua hàng, hoặc chỉ mua một lần ủng hộ duy nhất. Youtube thì Làm, nhưng chỉ đăng vài ba cái video quay không ra làm sao, hoặc tệ hơn là chỉ vài cái slide mà không ai muốn xem. Còn website thì đòi làm công nghệ này, tối ưu kia, nhưng cái cơ bản nhất là nội dung viết cho đàng hoàng, cho thấy người viết bài thả một tình yêu, một tấm lòng vào bài viết. Thì không có. Thậm chí cả tháng không cập nhật được một bài viết mới, rồi khi cập nhật chỉ là quảng cáo, giới thiệu sản phẩm..... Làm đủ thứ, mà không có cái gì ra cái gì, chính là đây.
2 Cái gì cũng biết, nhưng CHƯA TỚI
Tôi nói chuyện với rất nhiều CEO khác nhau, vì bởi lẽ tôi cũng chỉ nói chuyện với CEO mà thôi. Và tôi thấy một điểm chúng, đó là người lãnh đạo nào cũng nhận mình hiểu biết rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Và điều này thực sự nguy hiểm. Bởi vì sao? Bởi vì bản thân mỗi người mỗi chuyên môn, bạn có thể biết nhiều thứ, nhưng điều đó không có nghĩa bạn có thể làm được tất cả những cái bạn biết, và điều đó cũng không có nghĩa, khi bạn làm được, thì tất cả được những cái đó đều tốt.
Và khi bạn thấy bạn biết nhiều, những mức độ hiểu biết là rất khác nhau, bạn biết ở mức chém gió, hay mức có thể làm ra sản phẩm. Thậm chí có thể dạy được người khác một chuyên môn nào đó. Thì khi đó kiến thức mới là thực tế, còn mọi kiến thức chỉ nghe thấy thì không gọi là kiến thức.
Một lần, tôi có gặp một người chủ công ty, chị này muốn biến công ty truyền thống thành công ty công nghệ, mà bản thân chị này không biết công nghệ là gì, và cũng chưa từng làm qua bất cứ dự án công nghệ nào. Và chị còn hỏi tôi có biết gì về công nghệ không, vì tôi nói chuyện với chị gần 10 phút, mà chưa nói chữ công nghệ nào.
Tôi có 20 năm làm công nghệ, tôi làm việc với hàng ngàn khách hàng là chủ doanh nghiệp. Và tôi hiểu một điều cơ bản rằng, công nghệ là phục vụ cuộc sống, là phục vụ nhu cầu của con người, công nghệ không là cái gì cao siêu cả, và làm công nghệ cũng như làm nông, làm giáo viên, hay làm bất cứ ngành nghề nào khác mà thôi.
3 Cái gì cũng đúng, nhưng kết quả SAI
Một lần, tôi ngồi nói chuyện với 7 người đồng sáng lập của một công ty nọ (tôi không tiện nói tên). Mỗi người họ, đều có một chuyên môn CAO ở lĩnh vực mà mình phụ trách (Ít nhất họ tự nhận như thế). Và ai cũng nói là họ rất giỏi chuyện mà họ làm, họ làm đúng phần việc được giao. Hay nói cách khác, họ là một TẬP HỢP những người GIỎI vào với nhau, chỉ có THẮNG. Và ai cũng gân cổ lên mà cố cải, cố giữ lấy cái TÔI của chính mình.
Tôi mới nói với họ thế này:
+ Thứ nhất: Nếu mọi người ai cũng đúng, thì kết quả phải rất tốt. Nhưng kết quả thì ngược lại, nghĩa là đã SAI. Và việc của chúng ta là tìm ra điểm sai đó, chứ không phải đổ lỗi cho nhau. Người thành công, là người phải biết nói, TÔI SAI RỒI. Chứ không phải là, TAO ĐÚNG, MÀY SAI.
+ Thứ hai: Và điều quan trọng nữa, là mọi người thiếu mất người có tư duy hệ thống để xâu chuỗi lại vấn đề, có tầm nhìn từ trên cao xuống, thay vì tầm nhìn ngang hàng, dẫn đến không có cái nhìn bao quát, để nhận ra sai lầm ở khâu nào, và có hướng đi đúng đắn. Tóm lại đơn giản là thiếu người TRÙM CUỐI trong nhóm MẠNH này, để phục chúng, và mọi người phải đi theo định hướng đó. Phải có TƯ DUY HỆ THỐNG.
4 Chỉ thích NÓI, không chịu NGHE, chỉ nghe nhưng KHÔNG LÀM
Khi tôi tư vấn cho doanh nghiệp, thì gần như, người lãnh đạo nào cũng nói thao thao bất tuyệt về những cái họ biết, về những điều họ làm được. Thậm chi cả những điều không làm được cũng nói như đúng rồi. TẠI SAO họ trả tiền cho tôi, mà không muốn nghe nói, để thấy doanh nghiệp mình có những sai sót nào, mà sửa đổi, nâng cấp. Lại cứ thích nói? Nhưng không sao, điều này tốt với tôi. Vì tôi sẽ hiểu được họ nhiều hơn, và tôi làm phần việc ít hơn, lấy tính tiền cao hơn.
Và một điều nữa rất lạ. Đó là khi đã được tư vấn cho cách làm đúng, và họ đã hiểu, đã thấu. Nhưng khi đi vào triển khai thực tế, họ lại không làm như cái được dạy, chỉ thích làm những cái chụp dựt, có tính hiệu quả liền, chứ không chịu làm theo kiểu tăng giá trị công ty, tăng giá trị dài lâu. Vậy lập công ty làm gì? Tại sao không mở tiệm bánh mì, tiệm bánh bào, hủ tiếu, phở,... bán cái nào được cái đó, lời lỗ trong một ngày, không phải tốt hơn không? Why?
5 Giỏi nói LÝ THUYẾT, không có thực tế (tự nghĩ là ĐÚNG)
Đây là cũng là một kiểu điển hình nữa, mà tôi rất thường gặp. Đó chính là chỉ NÓI ra Lý Thuyết, nói đủ thứ, đủ loại kiến thức, đủ loại dẫn chứng từ cổ chí kim, từ đông sang tây,.. nhưng chung quy lại, thì đó chỉ là một mớ chữ nghĩa, mà có thể vài đường google là đọc được. Chẳng có chút thực tế nào, không áp dụng được vào công việc, cũng chẳng áp dụng được vào cuộc sống? Kiến thức như vậy có được gọi là kiến thức? Hay nó cũng chỉ là một dạng thông tin, nhưng đọc báo mà thôi?
Tôi hiểu về kiến thức rất đơn giản, chả có chút cao siêu nào cả. Kiến thức là phải XÀI được. Nghĩa là gì? Nghĩa là kiến thức đó phải áp dụng được vào công việc của bạn, giúp bạn làm tốt hơn, kiếm tăng lương hơn. Kiến thức đó phải áp đụng được vào công việc kinh doanh của bạn, giúp bạn kinh doanh hiệu quả hơn... Kiến thức không quy đổi được ra giá trị thực tế, thì kiến thức đó VÔ GIÁ TRỊ.